"Đây phải là chiến dịch tấn công cuối cùng vào Dải Gaza,áigiáIsraelphảitrảnếumởchiếndịchtấncôbig daddy có thể mất một tháng, hai tháng hoặc ba tháng, với mục tiêu là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 22/10 phát biểu tại sở chỉ huy lực lượng không quân tại Tel Aviv.
Đây được coi là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quân đội Israel đang quyết tâm mở chiến dịch trên bộ vào Dải Gaza, sau 16 ngày liên tục không kích khu vực này nhưng chưa thể dập tắt hoàn toàn sức kháng cự của Hamas. Các tay súng nhóm này vẫn tiếp tục tiến hành một số cuộc tập kích rocket bất ngờ nhằm vào lãnh thổ Israel.
Phát biểu của ông Gallant dường như cũng là sự thừa nhận về mức độ khó khăn mà quân đội Israel sẽ phải đối mặt khi tiến vào Gaza, dù họ áp đảo hoàn toàn về quân số, hỏa lực, trình độ công nghệ.
Một số người cho rằng với sức mạnh quân sự xếp thứ tư thế giới, Israel có thể làm chủ tình hình ở Gaza chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra rằng trong các cuộc chiến tranh đô thị, đặc biệt là ở địa hình chật chội với nhiều tòa nhà cao tầng như ở Dải Gaza, phe phòng thủ mới là bên có lợi. Những cuộc giao tranh tầm gần ở từng ngôi nhà, góc phố cũng làm giảm đáng kể ưu thế của bên có công nghệ tiên tiến hơn như Israel.
Quân đội Mỹ từng nếm trải điều này khi mở chiến dịch giành lại quyền kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong giai đoạn 2016-2017. Dân số Mosul vào thời điểm đó là khoảng 2,1 triệu người, tương đương dân số tại Dải Gaza hiện nay.
"Nếu Israel làm những gì họ tuyên bố, lật đổ và hủy diệt khả năng quân sự của Hamas, chúng ta sẽ lại thấy một trận chiến Mosul trên khắp Dải Gaza", Michael Horowitz, người đứng đầu bộ phận tình báo tại công ty tư vấn quản lý rủi ro Le Beck, trụ sở tại Trung Đông, cho biết. "Điều này đồng nghĩa thương vong dân sự và tổn thất sẽ rất lớn".
Trận chiến Mosul, kéo dài 277 ngày, là chiến dịch đẫm máu với thiệt hại thực sự chưa bao giờ được ghi nhận đầy đủ. Một cuộc điều tra của APcho thấy khoảng 9.000 đến 11.000 dân thường đã thiệt mạng ở Mosul. Phần lớn trung tâm lịch sử của thành phố bị biến thành đống đổ nát. Các chiến binh IS đã cho nổ tung nhà thờ Hồi giáo Al-Nuri cổ kính tại đây.
Một nghiên cứu của quân đội Mỹ, lực lượng hỗ trợ Iraq thực hiện chiến dịch tấn công trên bộ tại Mosul, lưu ý rằng IS đã biến nguyên tắc tuân thủ luật xung đột vũ trang của liên quân do Mỹ dẫn đầu thành một "vũ khí chống lại họ".
Lầu Năm Góc cho rằng IS đã biến dân thường ở Mosul thành "lá chắn sống", tạo ra tình huống buộc quân Mỹ phải đình chỉ hoạt động tác chiến để tránh gây thương vong dân sự, tạo lợi thế cho đối phương.
Dư luận thế giới cũng sẽ phản ứng rất khác khi chứng kiến thương vong dân thường tại Gaza, so với những gì đã diễn ra ở Mosul. Nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức ở hàng loạt quốc gia trên thế giới để phản đối hoạt động tác chiến của Israel, khi những đợt không kích của họ trong hai tuần qua đã khiến khoảng 4.000 người Palestine thiệt mạng.
"Có một khác biệt cơ bản giữa Mosul và Gaza", Patrick Osgood, nhà phân tích độc lập tại Dubai, nhận xét. "Trận chiến ở Mosul là nhằm giành lại lãnh thổ từ tay IS, nhưng đây không phải trường hợp tại Gaza".
Đại tá quân đội về hưu Joel Rayburn, cựu cố vấn tình báo chiến lược của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ, cho biết về mặt quân sự, ông tin lực lượng Israel có thể đạt được mục tiêu của mình nếu tiến công Gaza.
"Về mặt chiến thuật, Hamas sẽ bị đánh bại ở Gaza. Họ không thể bảo vệ khu vực này một cách bền vững", ông nói. "Về mặt quân sự, Gaza giống như một hòn đảo. Không thể có cơ sở phòng thủ hiệu quả ở Gaza vì Hamas không thể tự tiếp tế và không có hậu phương để hỗ trợ các hoạt động tiền tuyến".
Nhưng để đánh bại hoàn toàn Hamas, quân đội Israel sẽ phải chấp nhận những cuộc giao tranh đẫm máu ở địa hình đô thị chật chội hay các đường hầm chằng chịt dưới lòng đất, nơi vô số cạm bẫy chờ đón các binh sĩ.
"Các cuộc giao tranh trong đô thị diễn ra rất chậm, kéo dài và tốn kém", Rob Lee, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, trụ sở tại Philadelphia, Mỹ, cho hay. "Khi đối đầu với đối phương cố thủ trong địa hình đô thị, có thời gian chuẩn bị tốt và có quyết tâm không đầu hàng, chiến dịch tấn công sẽ cần nhiều thời gian".
Thời gian là thứ mà Israel dường như không có, khi áp lực toàn cầu yêu cầu ngừng bắn tại Gaza đang gia tăng nhanh chóng, gây sức ép không nhỏ lên giới lãnh đạo chính trị đất nước. Đồng thời, việc Israel huy động 300.000 quân dự bị chuẩn bị cho chiến dịch tấn công cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế đất nước.
Theo Michael Knights, chuyên gia tại Viện Cận Đông của Washington, nghịch lý quân sự ở đây là Israel muốn hành động càng nhanh thì họ phải sử dụng vũ lực nhiều hơn, làm tăng thương vong dân sự và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Gaza, điều Tel Aviv đang muốn hạn chế tối đa.
Israel đã có kinh nghiệm thực hiện hai chiến dịch trên bộ ở Gaza vào năm 2008-2009 và 2014, nhưng đều là nhằm kiềm chế Hamas, thay vì loại bỏ hoàn toàn lực lượng này, một thách thức khó khăn hơn nhiều.
Vào năm 2014, lữ đoàn Golani tinh nhuệ của Israel đã chịu thương vong nặng nề khi cố gắng chiếm khu vực Shujaiya của thành phố Gaza và chỉ có thể tiến lên sau các cuộc không kích và pháo kích dữ dội khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Iran được cho là đã cung cấp cho Hamas nhiều loại vũ khí phức tạp hơn kể từ đó, như tên lửa dẫn đường chống tăng hiện đại. Các máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ có thể thả bom hoặc tấn công tự sát nhằm vào xe tăng hoặc xe bọc thép Israel.
Đây là chiến thuật từng được các tay súng IS ở Mosul sử dụng và hiện là một phần không thể thiếu trong xung đột ở Ukraine. Mặc dù xe tăng và xe bọc thép của Israel sở hữu hệ thống phòng thủ Trophy hiện đại giúp chống lại UAV và tên lửa dẫn đường, chúng không phải "lá chắn" bảo vệ hoàn hảo.
"Hamas đang chờ đợi, họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tấn công trên bộ và chắc chắn sẽ có thương vong lớn, không còn nghi ngờ gì về điều đó", Kobi Michael, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, bình luận. "Nhưng chúng tôi cũng hiểu khá rõ, sau những cuộc tấn công khủng khiếp này, bạn phải chấp nhận hy sinh để tồn tại".
Giới chuyên gia nhận định với thất bại về tình báo và quân sự của Israel trước Hamas trong cuộc tấn công hôm 7/10, quân đội nước này sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng cho chiến dịch trên bộ sắp tới.
Israel "phải giành chiến thắng, nhưng đồng thời phải chứng minh rằng họ đang thực hiện điều đó với một kế hoạch tác chiến rất khôn ngoan và năng lực quân sự thực sự ấn tượng được hỗ trợ bởi khả năng tình báo tuyệt vời", Marshal Edward Stringer, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Anh chịu trách nhiệm giám sát chiến dịch không kích tại Libya năm 2011, lưu ý.
"Sử dụng tất cả vũ khí hạng nặng trong tay để san phẳng Gaza sẽ chỉ khiến các đồng minh tức giận và kẻ thù đoàn kết hơn", Stringer nói. "Đó rõ ràng là hành động không khôn ngoan".
Vũ Hoàng(Theo WSJ)